MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA CHI HỌ TRẦN THÀNH PHỐ THANH HÓA
(Nguồn: ông Trần Đức Dục - cành họ Trần - xã Quảng Đông, tp Thanh Hóa).
- Tháng 2 (âm lịch) năm Quý Tỵ chi họ Trần tại Thành phố Thanh Hóa đã cử đoàn đại biểu về dự Lễ khánh thành đền thờ Đức Tổ Trần Nguyên Hãn tại Lập Thạch (Vĩnh Phúc).
- Tháng 8 (âm lịch) năm Quý Tỵ được sự giúp đỡ của Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam, chi họ Trần thành phố Thanh Hóa đã hành hương về thắp hương nhân ngày giỗ của Trần Hưng Đạo (ở Côn Sơn - Kiếp Bạc), lễ Tổ Trần Nguyên Đán, viếng cụ Nguyễn Trãi và đền thờ các vua Trần ở Tiến Đức - Hưng Hà (Thái Bình), đền Trần và tháp Phổ Minh (Nam Định).
- Tháng 9 (âm lịch) năm Quý Tỵ, chi họ Trần thành phố Thanh Hóa đã cử một đoàn đại biểu về phường Minh Nông, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) về dự Lễ Giỗ Tổ Trần Đăng Huy.
- Tháng 12 (âm lịch) năm Quý Tỵ, chi họ Trần thành phố Thanh Hóa đã cử một đoàn đại biểu về phường Minh
Nông, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) về dự Lễ Cầu siêu cho Đức Tổ Trần Đăng Huy.
Cũng trong năm 2013 chi họ Trần tại thành phố Thanh Hóa cũng tham gia công đức để làm kiệu dâng Đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn. (Nguồn: donghotrannguyenhan.com.vn
)
Đây là trang thông tin chính thức phản ánh các hoạt động của chi họ Trần thuộc dòng họ Trần Nguyên Hãn tại Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hóa, Việt Nam. Mọi liên hệ vui lòng gửi về e-mail của ông Trần Xuân Bích (Trưởng họ cành Quảng Thắng): truonghotranxuanbich@gmail.com hoặc ông Trần Văn Lăng (trưởng họ cành Quảng Đông): tranvanlang1966@gmail.com.
Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014
Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014
ĐI TÌM TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN
(Nguồn: Mai Thục- Newvietart.com)
Xuất hành Xuân Nhâm Thìn, Nguyễn Trãi dắt tôi về Trang Sơn Đông tìm Trần Nguyên Hãn.
Nguyễn Trãi đã dắt tôi “Tìm lại Thành Xương Giang” (Newvietart.com) lừng lẫy bóng hình Trần Nguyên Hãn. Người gieo cho tôi tình yêu thương lớn với Trần Nguyên Hãn. Tôi mơ được về Trang Sơn Đông, tìm nơi cha mẹ đặt cái nồi đất đựng nhau thai của Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn.“Anh hùng để hận mấy ngàn năm” (Nguyễn Trãi).
Chị Trần Thị Phú, hậu duệ đời thứ hai mươi mốt của Đức Tổ Trần Nguyên Hãn, dẫn tôi về Trang Sơn Đông, một sớm mưa xuân nhè nhẹ hương vườn, còn vương cây vài Bích Đào Tết. Hoa thắm đỏ.
Trang Sơn Đông xưa của Trần Nguyên Hãn nay là xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi sông Lô, sông Đáy thuyền đầy trăng đêm.
Chúng tôi cùng đoàn đại biểu già, trẻ, gái trai thuộc dòng họ Trần Nguyên Hãn cung kính tế lễ trước Đền thờ Đức Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn ngự trên nền nhà xưa của ngài.
Sơn Đông là vùng đất bán sơn địa cổ xưa của các vua Hùng, sông núi, đồi vườn, rừng, ruộng lúa xưa, nay còn in bóng cây sấu già, cây đa, cây si cổ thụ, vườn xoan, hàng rào duối, luỹ tre chằng chịt quấn ôm làng, bờ ao bụi chuối hoang, cây cau quấn dây trầu, cây lộc vừng hoá đá… Nền lò gốm cổ còn phơi giữa đồng. Những con đò dọc, đò ngang, trên bến dưới thuyền ôm linh tích Văn Lang dựng nước, Đỗ Khắc Chung mở trường dạy học, Tả Tướng Quốc Quân Trần Nguyên Hãn mài gươm diệt thù, những người vợ nuôi chồng dùi mài kinh sử, đỗ mười hai tiến sĩ thời Lê, Mạc. Những bến Nghè, bến Nghị “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Những chùa Am chuông đổ thinh không, đình Bác Cổ vang tiếng trống chèo…
Im lặng. Rưng rưng. Chúng tôi thắp nén hương lòng dươí cây Lộc Vừng hơn sáu trăm năm hoá đá, nở hoa trước đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn. Cây Lộc Vừng hoá thạch tụ linh khí Sơn Đông.
Cây Lộc Vừng Sơn Đông mang dáng cây Lộc Vừng Hồ Gươm đầu đường Trần Nguyên Hãn, nhưng gân guốc, mềm mại, xoà chín cành, rắn như thạch, uốn lượn như rồng quấn giao nhau, cành đan cành, tầng tầng, lớp lớp, vươn cao sừng sững giữa cánh đồng, dòng sông, ngọn suối, núi đồi. Dân làng Sơn Đông bảo mùa Xuân, Lộc Vừng nở hoa màu vàng. Vì sao, cây Lộc Vừng về Hồ Gươm, hoa chuyển màu đỏ như máu.
Ngày 22- 2- 2012 (1- 2- Nhâm Thìn) tại Trang Sơn Đông diễn ra Đại hội đại biểu dòng họ Trần Nguyên Hãn tụ hội con cháu hậu duệ của Tổ Trần Nguyên Hãn sau 583 năm ly tán, phải mai danh ẩn tích khắp mảnh đất hình chữ S, nay hợp thành một họ mang tên Trần Nguyễn Hãn- Vị công thần khai quốc thời Lê.
Thế sự thăng trầm. Tình huyết thống ruột già truyền nối không phai nhạt. Sự đi tìm về Tổ tông của con cháu các dòng họ hôm nay, làm sống dậy nguyên khí quốc gia. Làm sáng rõ lịch sử. Là tiếng gọi tâm linh lành mạnh. Không vì thế mà gây chia rẽ các dòng tộc, vùng miền.
Người Việt Nam hiện đại đã có tầm nhìn khoa học về giống nòi, dân tộc, huyết thống và nhân loại. Con cháu Tiên Rồng nay, không lặp lại lỗi lầm xưa, khi triều đại mới lên là trả thù, tiêu diệt người triều đại cũ.
Ba mươi năm trước, con cháu Đức Tổ Trần Nguyên Hãn, sau chiến tranh, ly loạn, lại tìm về Sơn Đông, nối hồn Cụ Tổ. Vị tướng quân đội Nhân Dân Việt Nam Đào Trần Quang Cát (Họ Trần Nguyên Hãn đổi họ Đào) đã sưu tầm tư liệu về thân thế sự nghiệp Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn.
Trong không khí thiêng liêng ngày hội tụ tế lễ Đức Tổ Trần Nguyên Hãn, con cháu đã kể chuyện Người âm vang sông núi.
Trần Nguyên Hãn sinh ngày mồng một tháng hai năm Bính Dần (1386). Thời kỳ đất nước nhiều biến động. Nhà Trần suy yếu. Hồ Quí Ly chiếm đoạt ngôi vua, thẳng tay giết hại tôn tộc nhà Trần.
Năm 1385. Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán, lúc này về chí sĩ tại Côn Sơn (Chí Linh- Hải Dương) phải cho con trai là Trần Nguyên Án cùng con dâu Lê Thị Hoàn, đang mang thai Trần Nguyên Hãn được ba tháng, từ Chí Linh lên làng Quan Tử, trang Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, lánh nạn. Đi cùng có một vị tướng già tâm phúc của Trần Nguyên Đán. Họ làm nghề nông và ép dầu quả dọc đi bán để sinh tồn.
Chẳng được yên, cụ Trần Nguyên Án bị Hồ Quí Ly truy tìm, bắt được và giết. Bà Hoàn một mình tần tảo rau cháo, nuôi dạy con trai nhỏ.
Trần Nguyên Hãn bảy tuổi được mẹ cho đi học. Bà luôn kể cho con về lòng yêu nước, thương dân của ông nội Trần Nguyên Đán, xa hơn là niềm tự hào con cháu sáu đời của Chiêu Minh đại vương Tướng quốc Thái sư Trần Quang Khải, dòng dõi vua Trần Thái Tông, quê gốc làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, lộ Thiên Trường (Nam Định). Bà khuyên con phải học văn, học võ, trở nên con người xứng dòng dõi cha ông.
Mười sáu tuổi, Trần Nguyên Hãn học hết Tứ Thư, Ngũ Kinh và các sách binh thư. Chàng rủ thanh niên trong làng mở lò vật, rèn luyện sức khoẻ và tập võ nghệ.
Tháng 10- 1406. Giặc Minh dương chiêu bài “Phù Trần, diệt Hồ” sai Trương Phụ, Mộc Thạnh đưa 80 vạn quân sang xâm lược nước ta.
Tháng 5- 1407. Chúng bắt được toàn bộ vua quan triều đình nhà Hồ đưa về Trung Quốc. Chúng cho quân đến đóng ở đồn Bạch Hạc, gọi là Thành Tam Giang nhằm khống chế toàn bộ vùng chiến lược Tam Giang (ba con sông lớn gặp nhau: sông Lô, sông Thao, sông Hồng).
Trần Nguyên Hãn lúc này là lao động chính trong nhà, chàng vừa học vừa làm ruộng, ép dầu dọc. Những phiên chợ chợ Sơn Đông, Bạch Hạc đông vui, Trần Nguyên Hãn bán dầu. Nhìn lũ giặc ngày đêm càn quét, hãm hiếp, cướp phá, giết dân lành, chàng đau gan tím ruột, nuốt hận, cùng trai làng luyện binh, nghiền ngẫm binh thư, nuôi chí cứu dân.
Tháng 2- 1410. Chàng bí mật chiêu tập thanh niên trong vùng lập căn cứ tại Rừng Thần, ao Tó, đầm Trạch (nay là đầm Đa Mang thuộc hai xã Sơn Đông, Văn Quán).
Thời gian này, rất nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra do các nhà yêu nước lãnh đạo, Trần Nguyên Hãn không theo lực lượng nào. Chàng tìm một minh chủ chân chính.
Giặc đồn Tam Giang ngày càng hung hãn. Dân ta vô cùng cực khổ. Một đêm, Trần Nguyên Hãn đã dẫn nghĩa quân Rừng Thần đánh úp, diệt thành Tam Giang, làm chủ vùng Bạch Hạc. Tiếng tăm Trần Nguyên Hãn lừng lẫy. Quân Minh kinh hoàng.
Cuối năm 1415. Trần Nguyên Hãn về Thăng Long gặp Nguyễn Trãi (cháu ngoại Trần Nguyên Đán). Hai anh em luồn rừng, lội suối tìm đến Lỗi Giang (Núi Điều, Lam Sơn,Thanh Hoá) gặp Lê Lợi.
Lê Lợi lúc đầu chưa biết lai lịch hai người, giao Nguyễn Trãi làm ký lục quân lương. Trần Nguyên Hãn làm chèo thuyền. Trần Nguyên Hãn thấy Lê Lợi có tướng Việt Vương Câu Tiễn (chỉ có thể giúp nhau lúc hoạn nạn, không thể chung vui lúc sung sướng) nên e ngại. Có lúc hai ông nhìn Lê Lợi vừa thái thịt, vừa bốc ăn, nghĩ ông ta thô quá, chán ngán, định bỏ về. Nhưng sau, thấy Lê Lợi luôn thức khuya nghiền ngẫm binh thư, khí tướng hào hùng, phong thái uy nghiêm, hai ông quyết định ở lại, gặp Lê Lợi nói rõ tên thật, gốc mẹ cha. Nguyễn Trãi dâng “Bình Ngô sách”.
Lê Lợi vui mừng phong Nguyễn Trãi làm Hàn Lâm thừa chỉ học sĩ. Trần Nguyên Hãn trở về Đông Sơn dẫn quân gia nhập nghĩa quân Lam Sơn.
Ngày 12- 2- 1416. Lê Lợi cùng mười tám người thân tín (có Nguyễn Trãi) tổ chức hội thề ở làng Lũng Nhai huyện Thường Xuân- Thanh Hoá) kết nghĩa anh em, sống chết cùng nhau đánh giặc.
Gần Tết 1418. Trần Nguyên Hãn đem hai trăm nghĩa quân Rừng Thần cùng hơn một trăm ngựa chiến vào tụ nghĩa Lam Sơn. Trần Nguyên Hãn dâng Lê Lợi thanh bảo kiếm của Tướng Quốc Thái sư Trần Quang Khải, mà mẹ Trần Nguyên Hãn đã trao cho con trai, nguyện một lòng một dạ phò Lê Lợi làm minh chủ. Lê Lợi xếp Trần Nguyên Hãn vào Bộ tham mưu “tứ trụ phù Lê” (Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Lê Văn Linh).
Ngày 18- 2- 1418. Lê Lợi họp ba mươi lăm tướng lĩnh văn võ, mở hội thề lần thứ hai tại núi Chí Linh, có Trần Nguyên Hãn.
Trần Nguyên Hãn dốc lòng dâng Lê Lợi, lập nhiều chiến công, được Lê Lợi phong chức Tư đồ, chức quan cao nhất thời đó. Trần Nguyên Hãn luôn cầm quân chiến đấu, chiến thắng suốt mười năm chống quân Minh, trận đánh Thành Xương Giang giành thắng lợi quyết định, dẫn đến việc Vương Thông phải đầu hàng, giảng hoà.
Ngày 22- 11- năm 1427. Lê Lợi và Vương Thông tổ chức hội thề ở phía Nam Thành Đông Quan trên một cái gò ở phố Thợ Nhuộm, đối diện với di tích nhà tù Hoả Lò của Hà Nội ngày nay. Phía quân Minh có mười bảy người gồm Tổng binh Thái tử Thái bảo Thành Sơn hầu Vương Thông và các tướng. Phía nghĩa quân Lam Sơn có mười bốn người. Trần Nguyên Hãn đứng thứ hai sau Lê Lợi.
Tại hội thề, Vương Thông cam kết đến ngày 29- 1-1428, rút toàn bộ quân Minh về nước và sai người đem tờ trình xin trả lại đất cho Đại Việt.
Dân căm thù giặc tàn sát làng mạc, đồng bào, xin vua giết hết quân Minh, rửa hận. Nguyễn Trãi khuyên vua nên hoà, giữ yên cho muôn đời sau. Lê Lợi cấp 500 chiếc thuyền, cấp đủ lương thảo cho giặc rút về nước, trao trả hai vạn tù binh, hai vạn ngựa cho Vương Thông theo đường bộ mà về.
Đầu năm 1428. Lê Lợi định công khen thưởng 221 người gồm thân thích, họ hàng, đồng hương tham gia nghĩa quân từ khi ở Lũng Nhai.
Ngày 23- 3- 1428. Đại hội các tướng, các quan văn, võ, để ban thưởng và định thứ bậc. Phong Thừa chỉ Nguyễn Trãi làm quan phục hầu. Tư đồ Trần Nguyên Hãn làm Tả Tướng Quốc.
Ngày 15 tháng tư 1428. Lê Lơị chính thức lên ngôi, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, đóng ở Đông Đô (Thăng Long). Nguyễn Trãi cùng muôn dân sang sảng đọc “Đại Cáo Bình Ngô”.
Vốn là người văn võ song toàn, hiểu biết sâu sắc, nhạy cảm, thấu hiểu lòng người, Trần Nguyên Hãn đã sớm nhìn thấy sự nghi ngại sâu kín, thâm hiểm của nhà vua với những vị tướng tài, có công lớn, uy danh lớn, đức độ lớn, được Nhân Dân tôn phục, nghe theo, mà không cùng dòng họ Lê Lợi, cùng quê Thanh Hoá. Nên chỉ ít lâu sau khi nhận chức Tả Tướng Quốc, trong năm 1428, Trần Nguyên Hãn xin từ chức về nghỉ tại quê nhà, Trang Sơn Đông yêu dấu.
Lê Lợi chuẩn y cho về, nhưng dặn Trần Nguyên Hãn, cứ một năm hai lần phải về Thăng Long chầu vua.
Sử làng Sơn Đông viết: “Trần Nguyễn Hãn “Thập đạo kinh luân mao ức lý, nhân cựu trạch từ miếu” (Sau mười năm chinh chiến, về ở lại ngôi nhà cũ”.
Vị tướng lẫy lừng Đại Việt, quân Minh về nước, mà chân còn run, tim còn phập phồng sợ hãi, thanh thản trở về ngôi nhà thơ ấu của mình, lợp lại mái sụp, đốt lửa bếp hoang. Ông cùng dân làng tụ hội, làm sống lại nghề gốm cổ truyền, trồng cấy lúa, ngô, khoai trên đồng, thả cá trong ao, nuôi lợn gà, trồng rau tươi, cây thuốc, thu hái quả dọc trên rừng về ép dầu, đóng thuyền xuôi ngược sống Lô, sông Đáy, giao thương, buôn bán gốm và nông sản, bán dầu như thuở ấu thơ bên mẹ hiền goá bụa.
Thời đó, dân Đại Việt sống trong tăm tối, hoang sơ, thanh tịnh, hoà cùng thiên nhiên, cây cỏ. Người Sơn Đông có nghề ép quả dọc thành dầu, đi buôn bán. Cây dọc sống ở rừng Tuyên Quang, Phú Thọ... cho quả. Người Sơn Đông mua quả dọc về phơi khô, lấy hạt giã mịn như bột ngô, đun sôi nóng, trộn rơm, đóng thành bánh, rồi ép ra dầu mang đi bán. Dầu dọc nhẹ, thơm hương rừng, đổ vào cái bát nhỏ, thả bấc vào, đốt thành ngọn đèn dầu lấp loá, toả hương đêm.
Ngày nay, dân sành điệu Tây, Ta được thưởng thức thú chơi đốt đèn dầu dọc kiểu các cụ Đại Việt xa xưa, chắc là mê lắm. Không biết có bạn doanh nhân trẻ Việt Nam nào nghĩ đến chuyện làm sống lại nghề ép dầu dọc của Trần Nguyên Hãn. Nếu mình làm được điều này, sẽ cứu được rừng, cứu dân khỏi đói khổ và khơi nguồn linh khí Đại Việt. Kinh doanh bền vững, cứu thiên nhiên, cứu con người và cứu văn hoá dân tộc là như thế. Nhưng đã mấy ai dám nghĩ sâu sa, làm lợi dân, lợi nước, bởi nó khó giàu hơn cách làm “Ăn sổi, ở thì”.
Trần Nguyên Hãn sống an vui cùng sơn khê, cứu dân thoát đói nghèo. Tiếng lành đồn xa. Những thương binh, những người lính già đầu bạc khắp vùng, về tụ hội cùng Trần Nguyên Hãn, xây đời ấm no.
Thế nhưng! Bọn quan tham mắt cú vọ nhìn theo cái bóng lẫy lừng toả sáng của Trần Nguyên Hãn mà nổi máu ghen. Họ không để cho Trần Nguyên Hãn được cứu dân khỏi bần hàn. Họ sợ tên tuổi Trần Nguyên Hãn lẫy lừng che khuất cái bóng dài ngoẵng của họ. Họ đâu có nhìn thấy Nhân Dân, Đất Nước vừa thoát khỏi chiến tranh, máu đổ tương tàn, đói rách, lầm than đang cần những người anh hùng trong đời thường nhiều cám dỗ.
Chưa đầy một năm hưu quan tại Sơn Đông, Trần Nguyên Hãn bị vu tội phản vua.
Ngày 26 tháng hai năm Kỷ Dậu (30- 3- 1429) vua Lê Lợi nghe lời xiểm nịnh của lũ gian thần, bọn thù ngoài giả danh, sai 42 lực sĩ tới Trang Sơn Đông, bắt Trần Nguyên Hãn về Thăng Long hỏi tội.
Thuyền vừa rời bến Đông Hồ trên dòng sông Lô thân thương, gần nhà mình, Trần Nguyên Hãn ngửa mặt lên trời khấn rằng: “Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân. Nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời dèm pha mà hại tôi. Hoàng Thiên có biết soi xét cho”.
Rồi Trần Nguyên Hãn tự trầm mình, cứu Lê Lợi khỏi mang tội lớn giết công thần khai quốc, giết vị tướng tài đã cùng mình làm nên sự nghiệp nhà Lê.
Trần Nguyên Hãn đang độ tuổi bốn mươi bất tử.
Ngày 3 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1429). Lê Lợi ban biểu ngạch công thần cho 93 người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Không có Trần Nguyên Hãn.
Hai mươi sáu năm sau. Năm 1455. Vua Lê Nhân Tông (1443- 1459) xuống chiếu minh oan cho Trần Nguyên Hãn, trả lại ruộng đất, của cải cho con cháu, truy phong ông là Phúc Thần, cho gọi con cháu ông ra làm quan. Không ai ra.
Đời nhà Mạc (1527- 1593) Trần Nguyên Hãn được truy phong “Tả Tướng Quốc Trung liệt Đại Vương”.
Ngay sau khi được vua Lê Nhân Tông minh oan, Nhân Dân đã xây đền thờ Trần Nguyên Hãn ngay chính trên nền nhà cũ của ngài (nay thuộc thôn Đa Cai, xã Sơn Đông) gọi là đền “Trần Tả Tướng”.
Trong đền có đôi câu đối:
Đền Trần Tả Tướng nay lưu mười ba sắc phong của các triều vua từ Hậu Lê đến Bảo Đại cuối triều Nguyễn.Lam Sơn tướng nghiệp tồn linh địa
Lô thuỷ thần tâm đối nghĩa thiên
(Sự nghiệp làm tướng đất Lam Sơn còn mãi với đất thiêng này
Lòng trung của người bầy tôi trên dòng sông Lô là có Trời biết).
Trần Nguyên Hãn được Nhân Dân thờ ở rất nhiều nơi. Tại Chí Linh- Hải Dương trong cụm di tích đền thờ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn tụ linh khí ba đời huyết thống hiền tài, anh hùng lừng lẫy, sáng bừng nguyên khí quốc gia. Trần Nguyên Đán là ông nội Trần Nguyên Hãn. Trần Nguyên Đán là ông ngoại danh nhân văn hoá Thế giới Nguyễn Trãi.
Lạy tạ vùng non nước rừng thông Côn Sơn.
Hỏi thế gian này, có nơi nào Đất Trời Người tụ khí huyết thống linh thiêng đến thế?
Tại Chi Lăng, Nhân Dân tỉnh Lạng Sơn lập Bảo Tàng Trần Nguyên Hãn. Trước Chợ Bến Thành- Sài Gòn có tượng đài Trần Nguyên Hãn.
Ngày 15- 10- 1984. Bộ Văn hoá Nhà nước Việt Nam xếp hạng di tích lịch sử đền Trần Tả Tướng tại Trang Sơn Đông.
Hội thảo về anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn tại Vĩnh Phú năm 1988, giáo sư sử học Văn Tạo kết luận: “Ông Hãn đã chết tại Lập Thạch, chết không bình thường, chết không phải vì bức tử mà vì không thể sống được với bọn gian thần, với công lao, vị trí của ông, trước sự bối rối của Lê Lợi, sau khi đã chiến thắng giặc Minh, nhưng thế lực chưa đủ mạnh để giữ ngôi Hoàng đế của mình”.
Những người anh hùng đông đầy khí thiêng nòi giống Tiên Rồng như Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi… chịu chết không bình thường như thế, toả hào quang bất tận, nuôi sức mạnh cho cả dân tộc trường tồn.
Tôi đến Sơn Đông nghẹn ngào xúc động trước cỏ cây, hoa lá nơi này. Những bụi tre hoá đá, cây đa, cây si, cây nhãn, bụi chuối, hoa dại, bụi duối bên hàng rào… còn in dáng Đại Việt xưa cây cành hoá thạch, lá quả, hoa vẫn xanh tươi sự sống trường tồn. Cây Lộc Vừng trước đền thờ Trần Tả Tướng hoá đá, di thực về Hồ Gươm đầu đường Trần Nguyên Hãn, nở hoa giữa mùa Đông 2011.
Trước Đền Trần Tả Tướng có bệ thờ tảng đá lớn. Đá mài gươm của Trần Nguyên Hãn. Người Sơn Đông tìm thấy một tảng đá lớn (đá vôi) dạng đá mài, nổi lên bề mặt vài mét, nằm liền góc ao Tó. Tương truyền ao Tó là nơi đậu bến thuyền rồng của Tả Tướng khi về hưu, nay vần còn ao cá. Truyền rằng thời đi bán dầu, nuôi chí cứu dân, đánh giặc Trần Nguyên Hãn thường đem kiếm thiêng của Trần Quang Khải mà mẹ ông trao, mài ở đây.
Lớp người trên sáu mươi tuổi của xóm Đa Cai nhớ thuở nhỏ chăn trâu vẫn ngồi và mài dao trên tảng đá này. Trên mặt tảng đá có một vết lõm là vết mài gươm.
Lũ lụt năm Tân Hợi 1971, tảng đá thiêng bị phù sa sông Lô vùi lấp sâu khoảng hai mét do lũ lụt. Theo ông Vũ Đình Nguyên, tại Sơn Đông vang lên bài thơ lạ:
Năm 1988. Hội thảo Trần Nguyên Hãn đã quyết định khai quật tảng đá mài gươm thiêng liêng, rước về, đặt bệ thờ trước Đền Trần Tả Tướng.Di tích Sơn Đông phiến đá thờ
Khiến người qua đó chạnh niềm mơ
Xưa in nước biếc lung linh bóng
Nay ánh gươm thiêng phẳng lặng tờ
Đạp Đất tiếng thơm lưu vẻ quí
Vá Trời cơ nghiệp lắng hồn thơ
Kiếm mài sáng tỏ gươm phò chủ
Mở mặt non sông hiện trống cờ.
( Sách Trần Nguyên Hãn- Lê kim Thuyên (Sở Văn Hoá Thông Tin- Thể Thao Vĩnh Phúc- 1998)
Trước đền thờ Trần Tả Tướng, nước mắt tôi rơi. Tôi nghe trong khói hương trầm thoảng tiếng Trần Nguyên Hãn vọng về Trầm Tích Sông Lô.
Tôi đã quen những trạng thái tâm linh như thế, nên chỉ việc lấy mẩu giấy ra ghi, về nhà chép lên máy tính. Tất cả những gì tôi đã chép ra lâu nay, đều là của các Cụ mượn tấm thân tôi mà Giáng Bút. Bởi các Cụ thương yêu con cháu, giống nòi gặp buổi khó khăn, trở về thương mến và mách bảo lẽ phải điều hay, đường đi nước bước…Trầm Tích Sông Lô
Áo mũ công danh trả sơn hà
Trở về Lô giang tắm hồn ta
Phò vua giữ nước, không mưu phản
Đánh giặc cứu dân, khát an vui
Non nước thanh bình, yêu thương lớn
Tầm nhìn cao rộng, hướng Mặt Trời
Lòng người nhỏ nhen như sợi chỉ
Đen đúa vòng vèo, uốn cong queo
Không chịu cúi đầu theo lèo lá
Ta trầm mình chết trước oan khiên!
Bay lên Nhật Nguyệt rạng bầu trời
Hào quang lẫm liệt toả xa khơi
Tướng giặc nghe tên đã rụng rời
Trầm tích sông Lô vời vợi sóng
Trăng vàng nước ngọc trải Tình trong.
(Mai Thục)
Ngày nay, nhiều người Việt Nam luôn rèn nội lực, giữ thân tâm trong sạch, hướng vọng tâm linh, nhận nguồn năng lượng nguyên khí Quốc gia, để làm những việc nhỏ, ích dân, lợi nước. Nhiều người tin rằng tâm linh Việt Nam, nguyên khí Quốc gia, các cụ Tổ, các anh hùng, nghĩa sĩ, máu thắm đất Việt Nam, rất linh thiêng. Linh khí hiển linh giúp cháu con gặp thời vận khó. Ai giữ được Thân Tâm trong sạch sẽ nhận được nguồn linh khí thiêng đó để cứu mình, cứu đời.
Ai mà “sống bẩn” thì tự lộ bày, tự bị sa thải, chẳng cần ai phát hiện, chẳng có toà án nào xét xử mà vẫn ô danh, vẫn bị thu tài sản. Trắng tay và bệnh hoạn. Chuyện thật như đùa. Tôi thường ngẫm những chuyện đã xảy ra và kinh hãi. Nhân Quả. Cán cân Tạo Hoá rất công bằng. Mỗi cá nhân chớ coi thường Nhân Quả mà dấn sâu vào tội lỗi.
Chúng ta nay, nhiều người tỉnh thức.
Đại hội đại biểu dòng họ Trần Nguyên Hãn toàn quốc tại Sơn Đông ngày 22- 2- 2012, ông Trần Văn Quang, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao, tỉnh Vĩnh Phúc, thông báo tin vui. Mùa Xuân 2013, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức đại lễ cầu siêu trang trọng linh thiêng cầu Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn trên bến Đông Hồ, thả thuyền cứu linh trên dòng sông Lô trầm tích, toả sáng hào quang người anh hùng Đại Việt, tiếp sức mạnh cho thời đại chúng ta.
Hồ Gươm Xuân 2012
___________________________________________
Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014
MỘT BÀI THƠ HAY VỀ ĐỨC TỔ TRẦN NGUYÊN HÃN
TRẦN NGUYÊN HÃN (? – 1429)
Tác giả: Thái Bá Tân
1
Một trong mười chín vị
Dự Hội thề Lũng Nhai,
Ông là một danh tướng,
Có đức và có tài.
Ông chiến đấu dũng cảm,
Không quản ngại hy sinh
Giúp chủ tướng Lê Lợi
Đánh bại giặc nhà Minh.
Thế mà đời oan nghiệt,
Khi kháng chiến thành công,
Chính vị chủ tướng ấy
Đã nỡ lòng giết ông.
Lời thề Lũng Nhai ấy,
Hỡi ôi nay còn đâu?
Thương cho Trần Nguyên Hãn
Dưới chín suối ngậm sầu.
2
Xuất thân, Trần Nguyên Hãn
Là dòng dõi họ Trần,
Chắt của Trần Quang Khải,
Nguyễn Trãi là người thân.
Ông sinh ở Lập Thạch,
Tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.
Có một số học giả
Không nhất trí điều này.
Sách cũ có kể lại
Ông gánh dầu bán rong,
Tìm người chung chí hướng
Bàn kế cứu non sông.
Cuối cùng Trần Nguyên Hãn
Và Nguyễn Trãi tiên sinh
Hội tụ với Lê Lợi
Cùng chống giặc nhà Minh.
“Tang thương ngẫu lục” chép
Rằng Nguyễn Trãi và ông
Lần đầu gặp Lê Lợi
Rất không vui trong lòng
Khi thấy vị chủ tướng
Xé thịt ăn bằng tay
Nhồm nhoàm và thô lỗ,
Nên họ bỏ đi ngay.
Lần thứ hai, khi đến
Thấy Lê Lợi mải mê
Đọc binh thư không chán,
Họ ở lại, không về.
Hai ông được trọng dụng.
Nguyễn Trãi làm quân sư.
Nguyên Hãn làm soái tướng
Gian khổ chẳng hề từ.
Khi còn ở Thuận Hóa,
Ông đánh bại quân Minh,
Dù quân chúng áp đảo,
Trong trận đánh Tân Bình.
Sau đó là chiến thắng
Trong trận Đông Bộ Đầu
Khi ông và Lê Lợi
Đánh ra Bắc cùng nhau.
Ông cũng là chủ soái
Trận đánh thành Xương Giang,
Một trận đánh quyết định
Khiến giặc phải đầu hàng.
Về chức, sau Lê Lợi,
Trần Nguyên Hãn thứ hai,
Cao hơn cả Nguyễn Trãi,
Tạm gác chuyện đức, tài.
Trong danh sách Đại Việt
Ở Hội thề Đông Quan,
Ông chỉ sau Lê Lợi
Khi hai bên nghị bàn.
3
Năm một bốn hai chín,
Ông xin phép nhà vua
Được lui về trí sĩ,
Bên vườn thuốc, sân chùa.
Có sách bảo ông nói,
Rằng Lê Lợi bề ngoài
Giống Việt vương Câu Tiễn,
Nên khó ở với ngài.
Câu Tiễn mép như quạ,
Ranh ma, không thực lòng.
Có thể ông nói thế.
Cũng có thể là không.
Hơn thế, vua khó chịu
Khi thấy ông xây nhà
To đẹp như phủ đệ
Mà nghĩ ông gian tà.
Vua nghi ông phản nghịch,
Nên ra lệnh bắt ông.
Giữa đường ông tự tử
Bằng cách nhảy xuống sông.
Trước khi chết ông nói:
“Hoàng thượng đã cùng ta
Xưa vào sinh ra tử,
Nay nghe lời gièm pha
Mà bắt ta phải chết.
Hỏi trời, trời biết không?”
Trời chưa kịp đáp lại
Thì nước đã dìm ông.
Về sau, Trần Nguyên Hãn
Được nhà Lê minh oan.
Nhưng con cháu nhất mực
Không chịu ra làm quan.
Lê Lợi là minh chủ,
Có lúc đã không minh,
Nhưng nhân dân yêu quí
Vị tướng giỏi của mình.
Nhiều nơi trong cả nước,
Nhất là vùng Sơn Đông,
Nơi ông đã tự tử,
Dựng đền thờ thờ ông.
Hà Nội, 19. 6. 2012
Tượng Tổ TRẦN NGUYÊN HÃN
Trần Nguyên Hãn (chữ Hán: 陳元扞, ?-1429) là võ tướng trong khởi nghĩa Lam Sơn, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đánh thắng quân Minh xâm lược và lập thành nhà Hậu Lê. Ông cũng là một trong những công thần phải chịu cái chết bi thảm ở triều vua Lê Thái Tổ.
(đọc thêm tại: http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Nguy%C3%AAn_H%C3%A3n#cite_ref-32)
Tượng Tổ TRẦN NGUYÊN HÃN, (người được xem là ông tổ của ngành truyền tin ở Việt Nam) tại thành phố Hồ Chí Minh. Đức Tổ là người đầu tiên sử dụng chim bồ câu để truyền tin.
Cụ cao niên Trần Xuân Tùng thuộc cành họ Trần xã Quảng Thắng,tp Thanh Hóa
Ông Trần Xuân Tùng, một trong những người cao tuổi của Cành họ Trần tại xã Quảng Thắng, đã phát biểu tại Giỗ Tổ Trần Trung Khoản (06/02/2014, tức ngày mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Ngọ) tại nhà thờ họ Trần ở
làng Việt Yên, xã Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa.
Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014
GIỖ TỔ HỌ TRẦN THÀNH PHỐ THANH HÓA
GIỖ TỔ HỌ TRẦN THÀNH PHỐ THANH HÓA
( Bài viết lấy từ nguồn http://donghotrannguyenhan.com.vn/ Ảnh: Trần Mạnh Trung)
Ngày 06/02/2014, tức ngày
mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, tại nhà thờ họ Trần ở làng Việt Yên, xã
Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa, Họ Trần làng Việt Yên và làng Vệ Yên
(xã Quảng Thắng) đã tổ chức Lễ giỗ Tổ Trần Trung Khoản (Con trai thứ 3 của bà Hai Đức Tổ
Trần Nguyên Hãn). Đông đủ con cháu thuộc các cành trong tộc họ đã về dự.
Đoàn
đại biểu Thường trực Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam gồm
các ông: Đào Trần Quang Cát (Trưởng ban), Trần Văn Toàn, Cao Trần Bá
Khoát (Phó ban), Trần Nguyên Trực, Trần Quang Trung, Trần Hùng, Đào Hạnh
Phúc (Ủy viên) đã về dự. Đoàn đại biểu Họ Đào Trần ở phường Minh Nông,
thành phố Việt Trì gồm 7 người, do ông Đào Duy Khang, Chủ tịch Hội đồng
gia tộc làm trưởng đoàn cũng về dự.
Tổ
Trần Trung Khoản là con trai thứ 3 của bà Hai Đức Tổ Trần Nguyên Hãn.
Bà Hai Đức Tổ là Lê Thị Tuyển sinh được 3 người con trai. Năm Đức Tổ bị
nạn (1429), Bà đem 3 người con chạy trốn lên vùng Minh Nông, Phú Thọ.
Đến Minh Nông, Bà để người con trai thứ hai là Trần Đăng Huy và người
con trai thứ ba là Trần Trung Khoản ở lại, rồi đưa người con trai cả
(không rõ tên) đi tiếp lên vùng Tuyên Quang, hiện nay vẫn chưa liên lạc
được. Tại Minh Nông, Tổ Trần Đăng Huy phải mai danh ẩn tích, đổi sang họ
Đào, chính là họ Đào Trần ngày nay. Còn Tổ Trần Trung Khoản ở Minh Nông
một thời gian, lại phải chạy trốn vào vùng Nghệ An, Thanh Hóa, đổi sang
họ Quách, rồi lại đổi tiếp sang họ Mai, đến đời vua Lê Thánh Tông mới
đổi lại họ Trần, lập nên họ Trần làng Việt Yên, Vệ Yên thuộc các xã
Quảng Đông, Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa ngày nay.
Trải
qua hàng trăm năm lưu lạc, tộc họ Trần ở Thanh Hóa luôn đau đáu nhớ về
tổ tiên, dòng tộc, đã cất công tìm kiếm nhưng không thành. Mãi đến năm
2003, theo tài liệu lưu trữ của gia đình và tộc họ, bà Trần Thị Hương
Giang ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh mới tìm được về đền thờ Đức Tổ Trần
Nguyên Hãn tại xã Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Sau đó, bà đã 3 lần đi
Tuyên Quang tìm hậu duệ cụ Tổ cả nhưng vẫn không tìm được. Khi Ban Liên
lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam thành lập (ngày 22/02/2012), họ
Trần ở xã Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa đã liên lạc được với Ban liên
lạc dòng họ. Nhờ sự giúp đỡ của Thường trực Ban Liên lạc dòng họ, hai
tộc họ Đào Trần ở phường Minh Nông, TP Việt Trì, Phú Thọ và họ Trần ở xã
Quảng Đông, TP Thanh Hóa đã gặp nhau, nhận họ hàng. Ngày
24/9/2013, ông Đào Trần Quang Cát, Trưởng Ban Liên lạc dòng họ Trần
Nguyên Hãn Việt Nam, đã hướng dẫn họ Trần ở TP Thanh Hóa hành hương về
khu Côn Sơn – Kiếp Bạc nhân ngày giỗ Tổ Trần Hưng Đạo (20 – 8 âm lịch)
để lễ tổ Trần Hưng Đạo, lễ tổ Trần Nguyên Đán, và lễ viếng cụ Nguyễn
Trãi. Về xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình làm lễ, viếng mộ Tổ
nhà Trần và mộ 3 vua đầu triều Trần. Về Nam Định làm lễ viếng khu Đền
Trần, thăm viếng đền và tháp Phổ Minh. Sau đó đưa đoàn về Minh Nông,
Hùng Đô, Quang Húc, tỉnh Phú Thọ gặp gỡ, nhận họ hàng và làm lễ Tổ họ
Đào Trần.
Ngày
06/10/2013, Hội nghị Thường trực Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn
Việt Nam ra nghị quyết công nhận họ Trần ở thành phố Thanh Hóa là thành
viên dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam.Lễ
giỗ Tổ họ Trần ở Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa năm nay là năm đầu
tiên tộc họ tìm được về cội nguồn, tiên tổ. Dưới nắng ấm của mùa xuân
Giáp Ngọ, trong làn khói hương nghi ngút linh thiêng, toàn thể các con
cháu trong dòng tộc rưng rưng xúc động, kính báo lên Tổ tiên nỗi lòng
mừng vui khôn tả khi từ nay con cháu hậu duệ của Đức Tổ đã tìm được ngôi
nhà chung của dòng họ. Tộc họ Trần ở Quảng Đông, Thanh Hóa nguyện cùng
các tộc họ anh em trong cả nước đoàn kết, gắn bó cùng nhau xây dựng dòng
họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam ngày càng phát triển, vững mạnh.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)